Mùa hè có thời tiết nắng nóng và môi trường có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của những virut, vi khuẩn. Kết hợp với thói quen sinh hoạt và thói quen ăn uống, dẫn đến một số bệnh lý về đường hô hấp, trong đó có những bệnh lý về tai.

Một số bệnh lý về tai thường gặp trong mùa hè

Vào mùa hè, rất nhiều người có thói quen đi bơi. Nước ở hồ bơi thường không đảm bảo vệ sinh, nước vào trong tai sẽ đem theo những vi khuẩn và nấm. Thông thường, nước sẽ tự chảy ra ngoài, tuy nhiên, cũng có trường hợp nước bị đọng lại khiến tai bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm phát triển, dẫn đến  tình trạng viêm, nhọt ống tai ngoài.Bệnh có biểu hiện là đau tai nhiều, ù tai và có thể suy giảm thính lực. Đau do viêm tấy hoặc nhọt ống tai ngoài là nguyên nhân khiến bệnh nhân mất ngủ do cấu tạo da ống tai vành tai sát liền với màng sụn.

Bệnh nhân bị nhiễm nấm ống tai thường có biểu hiện ngứa tai nhiều, xuất hiện dịch màu trắng đục hoặc nâu đen. Khi khối nấm mọc đầy ống tai, bệnh nhân bị sẽ bị ù tai rất khó chịu. Nếu có ráy tai đọng lại thành khối trong tai, khi đi bơi, nước vào làm khối này trương to lấp kín hết ống tai gây ù tai làm giảm thính lực, trường hợp nặng gây viêm đau nhức tai nhiều.

Những bệnh nhân bị viêm ống tai ngoài xảy ra khi bơi lặn, nước vào tai gây ngứa, khó chịu, thường ngoáy tai để tạo cảm giác thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc này làm xây xước da ống tai dẫn tới phù nề, khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập, gây viêm ống tai , dẫn tới sự xuất hiện của một số triệu chứng như đau tai.

Nguy hiểm bệnh viêm tai giữa ứ dịch

Bên cạnh những bệnh lý thường gặp trên thì nước cũng có thể gây viêm tai giữa ứ dịch. Bệnh lý này là sự ứ dịch của tai giữa phía sau một màng tai không thủng, không có những triệu chứng viêm cấp. Bệnh nhân không được phát hiện và điều trị đúng cách thì bệnh có thể phát triển thành viêm tai giữa, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Chính vì thế, những trường hợp mắc viêm tai giữa ứ dịch cần phải được điều trị và theo dõi nhằm phục hồi lại sức nghe, đồng thời ngăn ngừa những biến chứng và di chứng gây điếc nặng ở giai đoạn sau.

image100/Corbis

Nói về bệnh viên tai giữa ứ dịch, những bác sĩ của trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa chia sẻ thêm: Bệnh này không gây đau tai rõ rệt, chỉ đau nhói trong vài ngày đầu, gây khó chịu ở một hoặc cả hai tai. Vì thế, bệnh thường dễ bị bỏ qua. Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ có cảm giác tai lùng bùng hay ù tai, nghe không rõ vì có cảm giác bít, tắc trong tai. Nguyên nhân gây bệnh  là do  lỗ vòi tai bị tắc dẫn đến chức năng nghe sẽ bị ảnh hưởng.

Điều trị đúng cách, tránh tự ý điều trị

Thực tế, phần lớn trẻ em bị viêm tai nặng do cha mẹ tự điều trị hoặc điều trị theo lời mách bảo. Nhiều trường hợp sử dụng bài thuốc theo kinh nghiệm như lấy thuốc đông dược thổi vào tai, kháng sinh rắc vào tai… dẫn đến tình trạng bệnh xấu thêm. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc nhỏ tai cần phải có chỉ định của bác sĩ. Theo những tin tức y dược, thuốc nhỏ tai có nhiều loại, vì thế, cần tùy trường hợp để điều trị một cách hợp lý. Đặc biệt, tình trạng viêm tai điều trị không đúng cách và dứt điểm hết sẽ dẫn đến nhiều biến chứng như: nghe kém, méo miệng do liệt dây thần kinh số 7, gây chóng mặt do ảnh hưởng dây thần kinh tiền đình tai trong, vi khuẩn lan vào nội sọ gây viêm màng nhĩ, áp xe não. Chính vì thế, cần có phương pháp điều trị khoa học và hợp lý.